Phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường luôn là lựa chọn số 1 của Mường Thanh
Đó là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Thạc – Phó Ban Vận hành Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh khi chia sẻ về chiến dịch “No Plastic For Green Life – Nói không với rác thải nhựa” của tập đoàn đang triển khai trong tháng 8 này.
Chiến dịch “No Plastic For Green Life” chính thức triển khai từ ngày 1 – 31/8/2019 với việc toàn bộ các đơn vị thuộc hệ thống Tập đoàn khách sạn Mường Thanh tiến tới hoàn thành việc thay thế đồ nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể đối với các vật dụng dùng trong phòng khách như lược, dao cạo, bàn chải đánh răng, túi giặt là…trước đây sử dụng vỏ bọc bằng chất liệu nhựa đều được chuyển sang chất liệu giấy, hoặc các vật dụng khác như ống hút, cốc uống nước, hộp đựng thức ăn… cũng đều được sử dụng bằng vật liệu thân thiện có thể tự tiêu hủy trong môi trường tự nhiên.
Anh Hoàng Ngọc Thạc – Phó Ban Vận hành Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh.
Theo thống kê trước đó, riêng trong năm 2018 hệ thống khách sạn Mường Thanh đã phục vụ khách hàng tổng cộng khoảng 1,1 triệu ống hút, hơn 1 triệu cốc nhựa, hộp nhựa các loại, gần 200 ngàn kg túi nilon và 2,3 triệu túi nhựa.
Ông Thạc cho biết: “Đối với Tập đoàn Mường Thanh, bên cạnh việc đảm bảo hiệu quả kinh doanh thì phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên số 1. Đây là chiến lược nhất quán đã được Chủ tịch và TGĐ Tập đoàn quán triệt ngay từ thời gian đầu thành lập Tập đoàn cho đến nay. Ngoài việc áp dụng các biện pháp thực hành tiết kiệm năng lượng điện, nước, Tập đoàn Mường Thanh còn từng bước đưa các vật liệu thân thiện với môi trường vào hoạt động kinh doanh, tiến tới sử dụng hoàn toàn các đồ tiêu hủy được trong môi trường tự nhiên”.
Với chương trình thay thế dần đồ nhựa sử dụng trong các khách sạn, 100% các đơn vị đều ủng hộ nhiệt tình. Bởi theo anh Thạc, mọi người đều biết tác hại khôn lường của rác thải nhựa với môi trường và sức khỏe con người tại thời điểm hiện tại cũng như các thế hệ con cháu mai sau.
Anh Thạc cũng cho biết việc thay thế dần đồ nhựa trong khách sạn có thể làm tăng chi phí vận hành lên khá nhiều. Tuy nhiên, “con số chính thức phải đợi hết năm nay chúng tôi mới tổng kết chính xác được, nhưng chi phí phát sinh này đã được Ban lãnh đạo Tập đoàn tính toán để vừa đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh tại từng đơn vị”, anh Thạc chia sẻ.
Về phía khách hàng, ghi nhận tại các khách sạn cơ sở trong Tập đoàn Mường Thanh cho biết, đa số mọi người rất ngạc nhiên vì Mường Thanh đã thay đổi rất nhanh với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Điều này chắc chắn sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh Mường Thanh thân thiện hơn và đẹp hơn trong mắt khách hàng nói riêng và xã hội nói chung.
Sau chiến dịch thay thế dần đồ nhựa sử dụng trong khách sạn, theo Phó Ban Vận hành Hoàng Ngọc Thạc, Mường Thanh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các loại năng lượng mới thân thiện với môi trường như chuyển từ dùng than sang điện năng, hay năng lượng mặt trời, tái chế xỉ than thành phân bón hữu cơ…với mục đích làm xanh và sạch môi trường.
Anh Thạc cho hay: “Hiện nay đã có doanh nghiệp liên hệ với khách sạn Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột để khảo sát việc đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên nóc tòa nhà khách sạn. Điện sản xuất ra sẽ bán cho chúng ta với giá rẻ chỉ bằng 70% so với giá điện thông thường. Đối tác sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống và bán lại điện cho khách sạn với giá rẻ hơn. Đây là một hướng đi hay mà Mường Thanh nên nghiên cứu hợp tác triển khai thử”.
Trong chiến dịch “No Plastic For Green Life” triển khai trong tháng 8 này, ngoài việc tiến hành thay thế dần các đồ nhựa sử dụng trong khách sạn, Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh còn triển khai 2 hoạt động sau:
– Kêu gọi mọi người tham gia quay video thử thách tái chế rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, cốc/ hộp nhựa…) thành những đồ có ích và đăng tải lên facebook cá nhân, kèm hastag: #Transformer, #NoPlasticChallenge. Với mỗi video cộng đồng mạng chia sẻ, Mường Thanh sẽ đóng góp 40.000 VNĐ vào quỹ Tập đoàn dành riêng cho việc xây dựng sân chơi cho trẻ em ở các địa phương từ đồ tái chế;
– Chương trình dọn rác bảo vệ môi trường tại 53 ĐVTV trên toàn hệ thống theo phong cách thử thách “Before – After”.